Khám chữa, phẫu thuật, xét nghiệm, điều trị nội ngoại trú, tiêm phòng, xuất nhập cảnh, khách sạn, phẫu thuật thẩm mỹ, huấn luyện ... cho chó mèo.
BỆNH SỐT CO GIẬT CANXI Ở CHÓ MẸ NUÔI CON
Sốt giật can xi rất hay xảy ra với chó mẹ sau đẻ từ 15 ngày trở ra, cũng có trường hợp bị chỉ vài ngày sau khi sinh. Nồng độ can-xi máu trung bình của chó từ 8,4-11,2 mg/ml. Do đột xuất do chó con bú quá mức, hệ thống tiết sữa cơ thể chó mẹ phải tăng tốc quá tải, lượng Can-xi trong máu bị mất cân bằng đột ngột dưới 8,0 mg/ml máu. Bệnh xảy ra nhanh, các biện pháp bổ sung can-xi trong kỳ tiết sữa cho chó mẹ đều không hiệu quả phòng bệnh.
1. Nguyên nhân và triệu chứng bệnh:
- Việc chó con bú rút lượng sữa quá lớn tại một thời điểm làm cho nồng độ can-xi huyết tụt dưới 8,0 mg/ml gây ra mất cân bằng can-xi ( tụt can-xi ), rối loạn hoạt động thần kinh trung ương, trung khu điều hòa thân nhiệt và hệ hô hấp, tuần hoàn và vận động. Xin lưu ý: đây không phải là " bệnh thiếu can-xi " như thường xảy ra với chó non dưới 6 tháng tuổi do thiếu ánh nắng và vận động ít, là bệnh mạn tính .
- Bệnh diễn biến cấp tính, chó mẹ sốt cao trên 41oC, co giật, thở gấp, hoảng loạn thần kinh, toàn thân co cứng, run rẩy, loạng choạng đổ ngã. Tử vong nhanh nếu không được điều trị kịp thời.
- Bệnh sốt giật can-xi thường gặp ở những chó mẹ sữa tốt, rất ham và quấn con, khéo chăm con, nuôi nhiều con và đàn con rất mập (gọi là "bụ sữa"). Hoặc đàn con quá lớn (trên 2 tháng tuổi) vẫn để bú mẹ. Tổng trọng lượng chó con lớn hơn 30% trọng lượng chó mẹ, có trường hợp còn nặng hơn cả chó mẹ. Vì thế trong đàn chó nuôi tự nhiên, để tự bảo vệ mình, chó mẹ thường phải "chạy trốn" chó con bằng cách nhảy lên chỗ cao, chó con không bú được. Ngày xưa chắc các cụ cũng chứng kiến nhiều bệnh này nên dân gian có câu"trốn như chó trốn con" để ám chỉ những người mẹ không tốt!!!
- Phân biệt với các triệu chứng thần kinh co giật của các bệnh sau: Bệnh Carre:phải có thời gian ủ bệnh, bệnh diễn biến chậm, không sốt cao, có lây lan sang chó khác ở mọi lứa tuổi. Bệnh uốn ván: phải có vết thương, người cứng như gỗ, hàm cứng. Bệnh Dại: Sợ ánh sáng, phải có vết cắn của động vật mắc Dại, chạy nhảy lung tung, người mềm, không khó thở, tấn công người và súc vật khác...
2.Điều trị:
- Cách ly ngay với chó con.
- Hạ nhiệt gấp bằng tắm nước hoặc chườm nước lạnh.
- Mời BS Thú Y ngay, khẩn trương tiêm tĩnh mạch Canci Chloride 10% (500mg/ống 5ml). Chó < 5kg tiêm 1-2 ml. Chó 5-10kg tiêm từ 3-5 ml, chó lớn>10kg tiêm từ 5-8ml. Chú ý: Tiêm chậm vào tĩnh mạch, không tiêm bắp thịt hoặc để thuốc ra ngoài mạch gây hoại tử, thối thịt. Sau 4-6 giờ tiêm lại lần 2.
- Sau khi tiêm Canci Chloride chó mẹ đỡ ngay các triệu chứng, dễ chịu, có thể truyền dung dịch đường Glucose 5-10% , hoặc dung dịch truyền Lactated Ringer (nước biển)vào tĩnh mạch.
3- Chăm sóc:
- Để chó mẹ nơi thoáng mát. Cho ăn nhẹ, uống sữa tươi, cháo thịt nạc...
- Nếu chó con đã tự ăn thức ăn được (trên 25 ngày tuổi) thì nên cai sữa tuyệt đối ngay.
- Nếu chó con còn non(<15 ngày tuổi) phải cho bú mẹ có kiểm soát của con người Bú chỉ huy ). Không nhốt chó mẹ và con trong chuồng hoặc nơi chật trội để chó con bú thỏa thích sẽ lại bị sốt và co giật bất kỳ lúc nào.
- Sau khi đỡ bệnh, chó mẹ lại đi tìm chó con cho bú, phải cách ly chó con, để mẹ nghỉ ngơi ít nhất 4 giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét