Những điều chưa biết về mèo (p5)

Mèo phát sáng có thể chống lại HIV/AIDS
Ba con mèo biến đổi gene với cơ thể phát sáng trong bóng tối có thể ngăn ngừa vi rút suy giảm miễn dịch ở mèo (FIV) đang mở ra con đường mới cho nghiên cứu chống lại căn bệnh thế kỷ - HIV/AIDS.

Phát hiện này cũng giúp các bác sĩ thú y tìm ra phương pháp chống lại loại virus giết chết hàng triệu con mèo hoang dã mỗi năm và có thể lây nhiễm sang các loài khác thuộc họ mèo, bao gồm cả sư tử.

Ba con mèo 1 tuổi được đặt tên là TgCat1, TgCat2 và TgCat3, gọi nôm na là những con mèo GM, có cơ thể phát sáng màu xanh lá cây dưới ánh sáng tia cực tím đầy vẻ ma quái vì các nhà khoa học đã đưa loại gen protein huỳnh quang màu xanh lá cây (GFP) có nguồn gốc từ con sứa vào cơ thể chúng. Mèo GM cũng mang thêm một loại gen khỉ, gọi làTRIMCyp, bảo vệ khỉ nâu đuôi ngắn không bị nhiễm trùng bởi virus FIV.

Nhóm nghiên cứu hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp bảo vệ động vật nói chung khỏi FIV. Qua đó, các nhà khoa học có thể phát triển và thử nghiệm các cách tiếp cận tương tự trên con người khỏi bị nhiễm trùng bởi virus HIV. Hiện tại, họ cũng chứng minh được rằng việc nuôi cấy các tế bào máu trắng trong phòng thí nghiệm từ những con mèo sẽ giúp con vật miễn dịch với FIV.


Những con mèo với cơ thể phát sáng màu xanh lá cây. (Ảnh: Newscientist)

“Các loài động vật có gen bảo vệ trong tất cả các mô bao gồm các hạch bạch huyết, tuyến ức và lá lách”, Eric Poeschla đến từ trường Đại học Y khoa Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota, người đứng đầu nghiên cứu cho biết. “Điều này rất quan trọng bởi vì đó là nơi mà căn bệnh thực sự xảy ra, và là nơi bạn có thể nhìn thấy virus HIV phá hủy tế bào T ở người”.

Đây không phải là những con mèo GM đầu tiên, nhưng phương pháp mới được áp dụng lại hiệu quả và linh hoạt hơn các kỹ thuật trước. Kỹ thuật của Poeschla trực tiếp, hiệu quả và đơn giản hơn nhiều. Nó đã được áp dụng thành công trong việc tạo ra những con khỉ GM, bò GM, lợn GM và chuột GM. Poeschla cấy loại gen nghiên cứu vào một virus mãn tính rồi đưa trực tiếp vào một noãn bào hoặc tế bào trứng của mèo. Noãn bào kết hợp với các gen mới sau đó đã thụ tinh và được đặt trong tử cung của con mẹ.

Poeschla cấy được 12 bào thai trong năm trường hợp mang thai, và ba mèo con đẻ ra còn sống. Ngoài 12 bào thai đó, có 11 trường hợp kết hợp gen mới thành công đã cho thấy hiệu quả của phương pháp này.

TgCat1, con mèo đực còn sống, đã giao phối với ba mèo cái bình thường và sinh ra tám mèo con khỏe mạnh. Tất cả đều mang các gen như vậy vì chúng được thừa hưởng từ di truyền.

Mèo sủa giống chó
Đoạn video ghi lại cảnh một con mèo sủa giống chó. Nhưng khi chủ nhân của nó đưa chiếc camera lại gần, nó ngay lập tức chuyển sang kêu meo meo như bình thường.


Livescience trích lời giáo sư Nicholas Dodman, nhà nghiên cứu hành vi động vật thuộc trường đại học Tufts tại Mỹ: "Đây không phải là điều bất thường, nhưng từ trước đến nay chưa thấy con mèo nào lại sủa giống như chó".

"Các thanh quản, khí quản và cơ hoành của mèo tương tự với chó nên con mèo có thể phát ra tiếng kêu như loài chó", giáo sư Dodman giải thích. Ông cho biết, có thể con mèo đã bắt chước tiếng sủa từ con chó nào đó sống gần đó.

Nhưng tại sao khi chủ đến gần, con mèo lại ngừng sủa? “Chắc chắn không phải nó xấu hổ. Đó là cách suy nghĩ quá phức tạp đối với một con mèo”, Nicholas Dodman nói.

"Việc ngừng sủa và kêu meo meo của mèo có vẻ như là sự tình cờ khi người chủ lại gần, nhưng cũng có thể khi con mèo quay đầu, hành vi cúi đầu đã làm giảm năng lượng kéo ra, khiến tiếng kêu trở lại bình thường", giáo sư Nicholas Dodman cho biết thêm.



Loài mèo liếm nước 4 lần trong một giây đồng hồ

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra cơ chế mèo uống nước cho thấy nó hoàn toàn không giống với cách mà nhiều người thường thấy là liếm mặt nước thay vì đớp nước.

Động tác uống nước của mèo khá nhanh và thành thục mà mắt thường con người không thể nhìn thấy được.


Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Tờ New York Times cho biết các nhà khoa học đã lắp đặt một máy quay tốc độ cao và phương trình tính toán khoa học để khám phá cách những chú mèo uống nước ra sao mà không làm ướt cằm.

Khác với động vật, con người có thể nhúm miệng lại uống nước sao cho cằm không bị ướt. Đó là thành quả lớn mà con người có được trong nấc thang tiến hóa. Tuy nhiên, nhiều loài động vật khác trong đó có những động vật ăn thịt phải viện tới một chiến thuật uống nước tinh vi hơn rất nhiều để khắc phục sự “thấp kém” về tiến hóa.

Đối với những chú chó, uống nước là một công việc nặng nhọc. Thông thường, chó sẽ sục lưỡi vào trong bát nước tạo nên những xung động mạnh để đẩy dòng chất lỏng vào trong khoang miệng song lại làm nước chuyển động bất quy tắc và bắn lên tung tóe. Trong khi đó, những chú mèo lại tỏ ra khôn ngoan và chuẩn xác hơn nhiều.

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, Học viện Bách khoa Virginia và Princeton đã quyết định đi sâu nghiên cứu cơ chế uống nước của mèo và đã khám phá ra những bí mật thú vị về các chú “tiểu hổ” tinh ranh này.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng về bản năng, loài mèo tính toán khá chuẩn xác về sự cân bằng giữa hai đối lực là lực hấp dẫn và lực quán tính.

Trong đoạn băng quay chậm chú mèo vươn lưỡi ra thành một đường vòng xuống dưới tiệm cận với mặt nước rồi khẽ khàng chạm nhẹ bề mặt nước. Tiếp đó, lưỡi nhanh chóng lượn vòng lên với tốc độ cao và kéo theo một lượng lớn nước ở bên dưới đi theo đà quán tính. Chỉ trong tích tắc, trọng lực sẽ khắc phục được những xung động của nước và kéo lượng lớn nước này quay trở lại. Ngay lúc đó, bộ hàm của mèo sẽ đớp lấy tia nước và nuốt.

Phát hiện thú vị của nghiên cứu này là mèo có tốc độ liếm nước 4 lần trong vòng một giây - một tốc quá nhanh để có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét